Chăm sóc và bảo dưỡng xe tay ga định kỳ là nhiệm vụ cần thiết đối với người sử dụng, nhằm gia tăng độ bền của xe, đảm bảo hiệu suất vận hành, cũng như duy trì độ bền lâu dài. Đối với khách hàng đi xe Yamaha, định kỳ theo khuyến nghị của nhà sản xuất, bạn nên đi đến Trung tâm Bảo hành & Dịch vụ để được kỹ sư lành nghề tại đây kiểm tra, tư vấn và hỗ trợ bảo dưỡng “xế yêu” một cách tốt nhất, đem lại trải nghiệm an toàn khi lưu thông.
1. Vì sao bạn nên bảo dưỡng xe tay ga định kỳ?
Theo chuyên gia, bốn lý do quan trọng để người dùng phải bảo dưỡng xe tay ga định kỳ, bao gồm:
– Kịp thời phát hiện hư hỏng: Theo thời gian, xe tay ga bắt đầu có dấu hiệu “xuống cấp” về máy móc, động cơ và linh kiện. Lúc này, thực hiện bảo dưỡng thường xuyên giúp người dùng phát hiện tình trạng hư hỏng, kịp thời can thiệp, khắc phục để hạn chế ảnh hưởng đến bộ phận xung quanh.
– Tăng tuổi thọ cho xe: Khi xe tay ga được chăm sóc thường xuyên, điều này đồng nghĩa bộ phận bên trong như phanh, lốp, hệ thống đánh lửa, hệ thống điện, vành xe, yên xe, dầu máy, dầu phanh, bugi, cũng được tăng công suất hoạt động, ít xảy ra trục trặc và nhờ đó, duy trì tuổi thọ lâu dài.
– Đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí: Lợi ích của bảo dưỡng xe tay ga định kỳ giúp người dùng có trải nghiệm lưu thông êm ái và an toàn, cũng như giảm chi phí sửa chữa phát sinh.
– Tăng giá trị chuyển nhượng: Xe tay ga được kiểm tra định kỳ không chỉ duy trì vẻ ngoài mới đẹp, mà còn đảm bảo vận hành trơn tru, ít tiêu hao nguyên liệu và nhờ đó, nếu có nhu cầu chuyển nhượng, bạn có thể yên tâm xe máy được định giá cao hơn.
Định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng xe tay ga định kỳ giúp người dùng vận hành an toàn và êm ái khi lưu thông
2. Thời điểm bảo dưỡng xe tay ga khi nào?
Đối với xe tay ga mới, chưa sử dụng thường xuyên, nhà sản xuất khuyến nghị bạn nên bảo trì mỗi 2 – 3 tháng/lần hoặc dựa theo số km đã chạy. Trường hợp xe đã sử dụng trong thời gian dài, bắt đầu phát sinh dấu hiệu bất thường như: nóng máy, ì ạch, động cơ ồn, khó khởi động hoặc quá hao xăng, người dùng nên tiến hành bảo dưỡng ở trung tâm bảo hành uy tín – nơi có đội ngũ kỹ thuật viên giàu chuyên môn, hỗ trợ tư vấn và đưa ra giải pháp khắc phục, tránh tình trạng xe hư hỏng nghiêm trọng hơn.
3. Bảo dưỡng xe tay ga và 10 lưu ý quan trọng nhất định phải biết
Ngày nay, xe tay ga là một trong những phương tiện lưu thông phổ biến, bên cạnh xe số và xe tay côn. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ nguyên tắc bảo dưỡng, giúp xe tăng tuổi thọ và hoạt động ổn định lâu dài. Dưới đây là 10 lưu ý quan trọng khi chăm sóc xe tay ga nhất định phải biết:
3.1 Thay nhớt xe tay ga định kỳ
Để xe được vận hành trơn tru, người dùng nên chú ý thay nhớt định kỳ, cụ thể là mỗi 1.000 km/lần. Do cấu tạo khác biệt so với xe số (bao gồm: hệ thống truyền động bằng dây đai, bộ ly hợp khô và động cơ có công suất hoạt động lớn) nên xe tay ga phải sử dụng loại nhớt vừa chống mòn, bôi trơn, vừa có khả năng chịu nhiệt tốt.
3.2 Thay mới dầu láp
Ngoài sử dụng dầu nhớt cho động cơ, xe tay ga còn có dầu láp đảm bảo bánh răng hoạt động trơn tru. Theo lời khuyên của chuyên gia, bạn nên thường xuyên kiểm tra và thay dầu láp mỗi 6.000 – 8.000km. Nếu xe máy chuyển động gằn, không êm ái hoặc xuất hiện tiếng động bất thường thì đây cũng là dấu hiệu để nhận biết thời điểm thay dầu láp cho xe.
3.3 Thay nước mát cho xe tay ga
Thông thường, xe tay ga sử dụng hệ thống làm mát chuyên nghiệp, nhằm cải thiện tình trạng nóng máy, tăng hiệu suất vận hành êm ái. Người dùng nên bổ sung nước làm mát định kỳ, sau 10.000 km di chuyển và chú ý kiểm tra dung lượng nước mát còn lại, nếu lưu thông trên hành trình dài hoặc tải nặng.
3.4 Kiểm tra lốp xe
Để đảm bảo an toàn khi lưu thông, bạn nên kiểm tra và thay lốp định kỳ mỗi 15.000 – 20.000 km. Do phần lốp tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với mặt đường nên đôi khi xảy ra tình trạng thủng, mòn gai hoặc phồng nứt. Nếu phát hiện xe tay ga vận hành chậm, khó kiểm soát và dễ bị trơn trượt thì đây là dấu hiệu của vỏ xe đã hỏng. Bạn nên thay thế càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy hiểm trong quá trình di chuyển.
Hãy kiểm tra lốp xe định kỳ theo khuyến nghị của chuyên gia để đảm bảo tính an toàn khi lưu thông
3.5 Bảo dưỡng ắc quy
Định kỳ mỗi tháng, ắc quy của xe tay ga phải được kiểm tra nồng độ dung dịch. Ngoài ra, bảo dưỡng thường xuyên giúp làm sạch điện cực bên trong, ngăn ngừa tình trạng mô ve, tích tụ lớp trầm tích hoặc lớp oxi hóa bên ngoài.
3.6 Vệ sinh lọc gió
Ngày nay, hầu hết xe tay ga đều trang bị lọc gió tẩm dầu nhưng không thể vệ sinh định kỳ. Thay vào đó, người dùng phải kiểm tra và thay mới trước cột mốc 10.000 km. Điều này giúp xe được vận hành tốt hơn, hạn chế tình trạng ì ạch và tiêu hao nhiên liệu quá nhiều.
3.7 Kiểm tra dây curoa
Một bước quan trọng khi bảo dưỡng xe tay ga là người dùng phải yêu cầu kiểm tra dây curoa. Mục đích là để xe máy được hoạt động mượt mà, tăng hiệu quả truyền động và từ đó, đảm bảo tuổi thọ vận hành lâu dài. Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, dây curoa phải được bảo trì mỗi 8.000 km và thay thế sau 20.000 km.
3.8 Kiểm tra bugi thường xuyên
Bugi là bộ phận của hệ thống đánh lửa, giữ vai trò đốt cháy nhiên liệu, thúc đẩy hiệu suất vận hành cho xe. Thông thường, bugi phải được bảo dưỡng sau 10.000 km, nhằm hạn chế tình trạng hao mòn, đánh lửa kém và tiêu hao nhiên liệu quá mức.
3.9 Bảo trì má phanh của xe
Má phanh của xe tay ga là bộ phận hoạt động dựa trên quá trình biến đổi động năng thành nhiệt năng. Điều này giúp xe máy giảm tốc nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo an toàn khi lưu thông. Thông thường, má phanh được thay thế sau khi xe vận hành ở cột mốc 15.000 – 20.000 km.
3.10 Vệ sinh xe thường xuyên
Khi bảo dưỡng xe tay ga, ngoài kiểm tra và thay thế phụ tùng hư hỏng, người dùng cần lưu ý vệ sinh thường xuyên, bằng sản phẩm làm sạch chuyên dụng. Không sử dụng nước rửa chén, dung dịch tẩy mạnh hoặc dung dịch chứa muối khiến lớp sơn bề mặt bị hỏng, ảnh hưởng đến vẻ ngoài của xe.
4. Nên bảo dưỡng xe tay ga ở đâu là tốt nhất?
Ngày càng có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề bảo dưỡng xe tay ga ở đâu tốt nhất. Thông thường, một số người có thói quen chăm sóc và bảo trì xe máy tại nhà, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi trong trường hợp bận rộn. Song, nhược điểm là bạn không thể thực hiện quá trình bảo dưỡng đúng cách, dẫn đến xe có nguy cơ trục trặc và hỏng hóc nghiêm trọng. Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, người dùng nên bảo dưỡng xe tay ga định kỳ ở đại lý chính hãng, nhằm phát hiện vấn đề chính xác, sửa chữa đúng cách và duy trì tuổi thọ của xe.
Bảo dưỡng xe tay ga ở đại lý chính hãng giúp bạn an tâm về chất lượng phụ tùng cũng như chi phí sửa chữa
Ngoài ra, ưu điểm khi bảo hành xe máy ở hãng là bạn có thể yên tâm phụ tùng thay thế đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý và nhờ đó, không phải lo lắng tình trạng “đôn giá”. Đó là chưa kể đại lý bảo hành còn có chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cùng với đội ngũ kỹ thuật viên tận tâm, điều này vừa giúp xe máy được chăm sóc tốt nhất, vừa đem lại trải nghiệm hài lòng và tuyệt vời cho khách hàng.
Như vậy, thay vì bảo dưỡng xe máy tại nhà, bạn nên chủ động bảo dưỡng ở đại lý chính hãng để được yên tâm về chi phí và chất lượng. Trong đó, đối với người đi xe Yamaha, chế độ chăm sóc và bảo trì tại đây mang lại rất nhiều quyền lợi, cụ thể:
4.1 Quyền lợi khi bảo dưỡng xe tay ga Yamaha ở đại lý chính hãng
– Toàn bộ sản phẩm, phụ tùng, linh kiện được sử dụng trong quá trình sửa chữa đều chính hãng (trong nước hoặc nhập khẩu), đảm bảo uy tín và chất lượng cao.
– Khi mua xe tay ga Yamaha mới, quý khách hãy yêu cầu đại lý đăng ký và cấp sổ bảo hành đầy đủ với 09 (chín) phiếu bảo dưỡng miễn phí, bao gồm phiếu bảo dưỡng cấp độ 1 có một (01) phiếu; phiếu bảo dưỡng cấp độ 2” có năm (05) phiếu và phiếu bảo dưỡng cấp độ 3” có ba (03) phiếu.
Phiếu lần 1: Sử dụng trong vòng 2 tháng đầu tiên.
Phiếu lần 2: Sử dụng từ tháng thứ năm đến tháng thứ bảy.
Phiếu lần 3: Sử dụng từ tháng thứ mười một đến tháng thứ mười ba.
Phiếu lần 4: Sử dụng từ tháng thứ mười lăm đến tháng thứ mười bảy.
Phiếu lần 5: Sử dụng từ tháng thứ mười chín đến tháng thứ hai mốt.
Phiếu lần 6: Sử dụng từ tháng thứ hai ba đến tháng thứ hai lăm.
Phiếu lần 7: Sử dụng từ tháng thứ hai bảy đến tháng thứ hai chín.
Phiếu lần 8: Sử dụng từ tháng thứ ba mốt đến tháng thứ ba mươi ba.
4.2 Quy trình sửa chữa và bảo dưỡng xe tay ga Yamaha
– Kiểm tra và thay dầu máy, dầu hộp số định kỳ.
– Kiểm tra lọc gió động cơ.
– Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phanh trước, sau.
– Kiểm tra hệ thống CVT.
– Vệ sinh ,điều chỉnh khe hở bugi, thay bugi.
– Kiểm tra, căn chỉnh chế độ không tải bằng đồng hồ đo vòng tua máy.
– Kiểm tra dòng sạc, nạp ắc quy hoặc thay mới.
– Kiểm tra hệ thống dây ga, dây phanh, dây km.
– Kiểm tra và thay thế hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, còi, cụm công tắc điều khiển.
– Kiểm tra áp suất lốp trước, sau hoặc thay thế.
– Kiểm tra bạc đạn trước, sau.
– Kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ chén cổ.
– Bảo dưỡng phuộc trước, sau.
– Xiết ốc toàn bộ xe.
– Kiểm tra hệ thống nước làm mát.
– Kiểm tra hệ thống nhiên liệu (vòi phun).
– Kiểm tra xe bằng hệ thống FI shop.
Quy trình bảo dưỡng xe tay ga ở đại lý Yamaha đảm bảo tất cả phụ tùng, bộ phận của xe được kiểm tra đầy đủ, từ đó sửa chữa kịp thời nếu phát sinh hư hỏng
4.3 Quy trình sửa chữa và bảo dưỡng xe số, xe côn tay Yamaha
– Kiểm tra và thay nhớt máy định kỳ
– Vệ sinh lọc gió động cơ.
– Kiểm tra, điều chỉnh, thay thế thắng trước, sau, bố thắng, dây thắng.
– Kiểm tra và thay sên nhông dĩa.
– Vệ sinh, điều chỉnh khe hở bugi.
– Kiểm tra điều chỉnh garanti, chỉnh cò (nếu cò bị kêu).
– Kiểm tra hệ thống dây phanh, dây ga, dây km
– Kiểm tra dòng sạc, nạp ắc quy hoặc thay mới
– Kiểm tra và thay hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, còi.
– Thay bánh xe, niềng, căm, vỏ xe.
– Kiểm tra bạc đạn trước sau.
– Kiểm tra toàn bộ chén cổ.
– Kiểm tra phuộc trước, sau.
– Xiết ốc toàn bộ xe.
– Kiểm tra hệ thống nước làm mát.
– Kiểm tra hệ thống nhiên liệu.
Với toàn bộ thông tin trên đây, hy vọng người dùng đã nắm rõ nguyên tắc bảo dưỡng xe tay ga đúng cách. Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn xưởng dịch vụ uy tín để đảm bảo chi phí và chất lượng sửa chữa tốt nhất, từ đó tăng hiệu suất vận hành ổn định, cũng như duy trì tuổi thọ cho xe máy.